Tôi có thể đi tiểu ngay sau khi chuyển phôi không?
Last Updated on January 16, 2023 by Dan Dan
Sau khi chuyển phôi, tôi nằm nghỉ 30 phút thì thấy có cảm giác muốn đi tiểu, buồn tiểu ngay. Sau khi chuyển phôi, đi tiểu ngay có làm trôi phôi không? (Hà An, 35 tuổi, Đồng Nai)
Câu trả lời:
Nhiều bệnh nhân hiếm muộn lo lắng sau khi chuyển phôi, xuống giường đi tiểu sẽ làm “trôi” phôi. Đây là một quan niệm sai lầm, bởi với thủ thuật chuyển phôi, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ cấy phôi đặt sâu vào trong niêm mạc tử cung. Niêm mạc tử cung chứa nhiều dịch nhầy giúp phôi thai bám chắc, không dễ di chuyển, trôi ra ngoài.
Ngoài ra, trước khi chuyển phôi, các bác sĩ thường hướng dẫn chị em nhịn tiểu từ 1-1,5 tiếng. Vì vậy, sau khi chuyển phôi, chị em sẽ có xu hướng muốn đi tiểu, đây là biểu hiện sinh lý bình thường của cơ thể khi nhịn tiểu trong thời gian dài.
Sau khi chuyển phôi, chị em có thể sinh hoạt cá nhân như đi vệ sinh, tắm rửa, các hoạt động thể chất bình thường kể cả đi cầu thang bộ, đi xe máy. Các bác sĩ luôn khuyến khích chị em tập thể dục để tăng tuần hoàn máu nhưng tuyệt đối không tham gia các bài tập vận động mạnh như nhảy dây, chạy bộ, tập thể dục nhịp điệu.
Chị em cần lưu ý, một số triệu chứng có thể gặp phải sau khi chuyển phôi là cảm giác căng và nặng bụng. Nếu bạn cảm thấy buồn nôn, hãy uống nước và ăn thức ăn nhẹ như bánh quy.
Sau khi chuyển phôi, điều cần lưu ý nhất là tránh làm việc nặng, gắng sức, căng thẳng.
Phụ nữ sau chuyển phôi cũng cần kiêng giao hợp cho đến khi thử thai. Nếu kết quả thử thai cho kết quả dương tính, bạn nên tiếp tục kiêng giao hợp cho đến khi siêu âm xác định có thai.
Sau khi chuyển phôi cần lưu ý đến việc sử dụng thuốc, kể cả thuốc nội khoa và thuốc hỗ trợ sau chuyển phôi. Tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ vì đây là việc duy nhất ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị sau khi hoàn thành thủ thuật chuyển phôi. Các loại thuốc được chỉ định sau khi chuyển phôi thường chứa các thành phần nội tiết, với mục đích hỗ trợ quá trình làm tổ của phôi và duy trì sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn đầu.
Nhiều bệnh nhân có thể gặp một số tình huống sau khi chuyển phôi bị ốm vặt như cảm, ho… cần trao đổi với bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp. Ngoài ra, sau khi chuyển phôi cần tránh tình trạng bệnh gây sốt cao có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi thai trong bụng mẹ.
Thời điểm tốt nhất để sử dụng que thử thai là sau khi chuyển phôi từ 11 đến 13 ngày (tùy thuộc vào độ tuổi của phôi tại thời điểm chuyển). Nếu que thử sau chuyển phôi ngày thứ 5 khoảng 4-5 ngày mà que hiện 1 vạch thì bạn không nên lo lắng, vì đó vẫn chưa phải là thời điểm tốt nhất và có thể dẫn đến sai lệch kết quả. Bạn nên bình tĩnh chờ ngày thử thai do bác sĩ chỉ định và đến bệnh viện xét nghiệm máu để có kết quả chính xác nhất. Không nên thử thai quá sớm vì vừa lãng phí vừa gây căng thẳng tâm lý.
Ngoài ra, chị em cần lưu ý sau khi chuyển phôi cần đi khám lại ngay nếu có các dấu hiệu bất thường như: Khó thở, đau bụng, tiểu ít, tăng cân nhanh, ra máu âm đạo, sốt trên 38,3 độ C, buồn nôn. và nôn mửa kéo dài 24 giờ.
Bác sĩ Ngô Đình Triệu Vy
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP.