Trò chơi dân gian độc đáo của Việt Nam
Last Updated on January 17, 2023 by
Nền văn hóa lâu đời của Việt Nam mang rất nhiều nét đặc trưng thú vị mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Một trong số đó chắc chắn không thể không kể đến những trò chơi dân gian vô cùng độc đáo và ấn tượng. Tuy nhiên, xã hội ngày càng hiện đại cũng khiến những trò chơi này đang có nguy cơ bị mai một, rơi vào quên lãng, đặc biệt những người sinh sống ở thành phố thì không hẳn ai cũng biết đến. Vậy thì còn chần chờ gì nữa mà không khám phá ngay những trò chơi dân gian đặc sắc ngay trong bài viết dưới đây nhé.
Trò chơi dân gian gắn liền với tuổi thơ
Kho tàng trò chơi dân gian Việt Nam vô cùng phong phú và thú vị. Theo định nghĩa của từ điển Tiếng Việt thì “trò” có nghĩa là một hình thức mua vui trước mắt, còn “chơi” nghĩa là các hoạt động của lúc con người trong thời gian rảnh rỗi . Hay nói cách khác, “ trò chơi” được hiểu những hoạt động của con người mang tính chất vui vẻ, thoải mái giúp phấn chấn trong lúc rảnh rỗi để quên đi những mệt mỏi lo toan trong cuộc sống. Trò chơi dân gian Việt Nam là những trò chơi dân tộc cổ truyền mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của đất nước.
Có đến hơn 100 trò chơi dân gian quen thuộc mà chúng ta đều biết như ô ăn quan , nhảy dây, rồng rắn lên mây, chơi con quay vv..
Xưa kia, những trò chơi dân gian rất được người dân yêu thích và thường xuyên chơi sau những ngày làm việc mệt mỏi. Họ thường tổ chức chơi tập trung ở các khu vực rộng lớn như đình làng, bờ ruộng. Trẻ con ban ngày cùng rủ nhau chơi nhảy dây, ô ăn quan, tối đến lại tụm năm tụm 7 chơi rồng rắn lên mây, tiếng vui cười rộn rã khắp xóm làng. Người lớn thì ngồi trước hiên nhà uống ly trà nóng, ăn miếng kẹo lạc ngắm lũ trẻ nô đùa, nói dăm ba câu chuyện về mùa màng, một khung cảnh yên bình tới lạ thường.
Tuy nhiên, trò chơi dân gian chủ yếu lại thường thấy ở các vùng nông thôn hơn ở thành phố. Nhất là trong thời buổi hiện đại với sự phát triển của công nghệ 4.0 như ngày nay,khi các thiết bị điện tử đang chiếm lĩnh toàn thế giới, thì không chỉ khu vực thành phố mà cả ở nông thôn, sự xuất hiện của các trò chơi dân gian tuổi thơ cũng đang dần mai một. Đây là một thực tại rất đáng buồn. Hầu như ngày nay, các trò chơi dân gian thường được tổ chức vào các dịp lễ tết truyền thống của dân tộc hay tùy vào từng khu vực, vùng miền .
Một số trò chơi dân gian Việt Nam
2.1. Các trò chơi tập thể
Các trò chơi vận động tập thể thường thu hút rất nhiều người tham gia vì sự vui nhộn và đông đúc. Các trò chơi này thể hiện tính đoàn kết của những người trong đội, cũng là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết gắn bó, quật cường của dân tộc Việt Nam suốt hơn 1000 năm qua. Tên các trò chơi dân gian tập thể có thể kể đến như kéo co, đua thuyền, cướp cờ vv…
- Kéo co : Thường chia làm nhiều đội với số lượng người bằng nhau, sau đó cứ hai đội cùng đấu với nhau một lượt để tìm ra đội chiến thắng. Sau đó, đánh dấu vạch dưới đất để làm mốc, đội nào kéo được phần dây qua sân nhà nhiều hơn thì giành chiến thắng. Đây được coi là trò chơi vận động thể chất phổ biến nhất, dễ tổ chức và hầu như ai cũng có thể tham gia vì nó rất vui vẻ, sảng khoái.
- Đua thuyền : Thường tổ chức ở các vùng sông nước, thường chia ra nhiều đội thi đấu cùng nhau để tìm ra đội về đích nhanh nhất. Các cuộc đua thuyền có thể diễn ra các cuộc thi đấu giữa từng vùng miền, khu vực hay trên khắp cả nước và được người dân khắp nơi yêu mến. Tùy vào mùng miền mà loại thuyền đua có thể khác nhau, ví dụ người miền ngược thường đua thuyền độc mộc, người miền biển đua thuyền thúng, người Khmer lại đua ghe ngo.
- – Cướp cờ: thường chia thành từ 2 đến 3 đội chơi một lần, mỗi đội thường từ 7 đến 15 người chơi trên một khoảng rộng. Một vòng tròn nhỏ có đặt mũ hoặc khăn sẽ được đặt giữa khoảng sân chơi, sau đó các thành viên mỗi đội sẽ được bắt cặp lên cướp khăn về cho đội mình. Đội nào giành được khăn nhiều lần hơn thì sẽ chiến thắng.
- Đấu vật: Đây là một môn thể thao và cũng là một trò chơi dân gian mang tinh thượng võ, tôn vinh những con người đất võ thường tổ chức vào các dịp Tết hoặc lễ hội.Người đấu sĩ không chỉ cần có sức khỏe mà còn cần cả sự mưu trí, lanh lẹ, khéo léo, dẻo dai để có thể giành được chiến thắng. Hiện nay, các hội vật thường được tổ chức lớn ở Hà Nam, Bắc Ninh, Phú Thọ… và thu hút rất nhiều người từ khắp nơi đổ về xem
2.2. Trò chơi cạnh tranh
Các trò chơi vận động tập thể mang tính cạnh tranh cũng rất được yêu thích và tổ chức nhiều trong các lễ hội.
- Trò chơi bánh xe quay : Một mảnh vải hoặc xốp được khâu nối lại với nhau tạo hay hình vòng tròn sau đó thành viên mỗi đội sẽ đứng cùng vô đó và bắt đầu di chuyển về cùng một hướng. Vòng tròn sẽ bắt đầu di chuyển như những bánh xe quay nếu các thành viên tiến bước đồng đều và nhịp nhàng. Đội nào về đích trước sẽ giành chiến thắng.
- Leo cầu lấy thưởng: Một đoạn tre nhỏ sẽ được bắc qua một cái hố trên bờ đất cao. Một đầu tre được đặt nằm chếch trên bờ đất, đầu kia buộc vào sợi thừng hay chão, treo lên phía cao hơn bờ đất, nơi có treo giải thưởng. Thân tre đã nhỏ và trơn trượt, lại lại đưa đưa khó đi nên ai cũng dễ dàng té ngã. Bởi thế mà cuộc thi lại càng thêm phần vui vẻ và hứng thú.
- Đánh phết: Đây là trò chơi có tên gọi và nguồn gốc từ miền Bắc bởi người dân vùng này hay có câu “ Vui ra phết”. Sân sẽ được vẽ vòng tròn vạch vôi hay đào lỗ làm mục tiêu ở hai đầu sân. Các đội chơi sẽ được chia ra và cứ 2 đội cùng đấu một lượt. Thành viên hai đội sẽ dùng dùng gậy tre dài khoảng 1m đánh vào quả phết (làm bằng gỗ tròn sơn đỏ) sao cho chui vào vòng tròn hay lỗ phía đối phương. Đội nào ghi bàn vào nhiều hơn thì chiến thắng. Trò chơi này khá tương tự môn khúc côn cầu ở nước ngoài.
Ý nghĩa các trò chơi dân gian
Trò chơi dân gian mang nét đặc trưng văn hóa, đại diện cho cả đất nước, dân tộc Việt Nam. Các trò chơi này thể hiện tinh thần tập thể, sáng tạo, đoàn kết, dũng cảm của con người Việt. Sau những giờ làm việc căng thẳng, cùng tụ tập lại vui chơi sẽ xua tan hết những mệt mỏi hay muộn phiền của người lao động, đem lại niềm vui, sự sảng khoái cho tinh thần mỗi người. Đặc biệt hơn, đây còn là những trò chơi phát triển vận động, sức khỏe, sự khéo léo, mưu trí của người chơi.
Trò chơi dân gian thường được tổ chức vào các dịp lễ tết còn mang tính cầu mong sự may mắn, bình an, mùa màng thuận lợi của những người dân lao động và cũng là tưởng nhớ công ơn của các vị tổ tiên, anh hùng đã có công chống giặc ngoại xâm xâm lược. Có thể thấy rằng, các trò chơi dân gian mang rất nhiều ý nghĩa quan trọng và quý báu của dân tộc.
Với những chia sẻ trên đây, hy vọng sẽ mang đến thêm nhiều thông tin bổ sung vào kho tàng kiến thức vô tận của bạn về những trò chơi dân gian Việt Nam. Bên cạnh đó, mong rằng những thế hệ trẻ sau này sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những nét văn hóa đặc sắc này của dân tộc giúp cho đất nước ngày càng phát triển hơn nữa,